Cho rằng khách du lịch đến Việt Nam không phải để ở khách sạn 5 sao mà vì mê đắm nụ cười tỏa nắng của thiếu nữ vùng cao, Bộ trưởng Văn hóa gợi ý các địa phương sáng tạo trong phát triển du lịch.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng chiều 6/5, đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương, từ đó phát triển ngành du lịch thời gian tới.
Văn hóa đặc sắc níu giữ chân du khách
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh triết lý phát triển về kinh tế là “đi nhanh thì đi một mình, đi xa phải cùng nhau” và du lịch cũng không nằm ngoài quy tắc này.
Theo ông, một sản phẩm du lịch ở địa phương này tiêu biểu, đặc sắc, nhưng nếu được kết nối với địa phương khác, khách du lịch có thể đến và trải nghiệm “từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác”.
Về giải pháp thúc đẩy liên kết du lịch, Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, trong đó phân công thành viên Chính phủ đi các địa phương để lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh mỗi địa phương phải xây dựng một sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo. Việc này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, sau đó tiếp cận dần đến yếu tố cạnh tranh, đúng quy luật của kinh tế.
Về quản lý điểm đến, Tư lệnh ngành Văn hóa thừa nhận còn nhiều điều nhức nhối. Trong đó, du lịch phát triển nhưng điểm đến không phải chỗ nào cũng an toàn, thân thiện, đâu đó vẫn có biểu hiện “chặt chém” du khách, biểu hiện thiếu văn hóa ảnh hưởng đến khách.
Ông cho rằng những việc đó là cá biệt và vừa rồi các địa phương làm rất mạnh, xử lý nghiêm. Sắp tới, ngành du lịch sẽ tăng cường thanh tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra về lĩnh vực du lịch, thanh tra về điểm đến để lập lại trật tự, kỷ cương.
Nói thêm, ông Hùng cho biết Bộ VH-TT&DL vừa làm một cuộc khảo sát nhỏ với một số du khách quốc tế đến với Việt Nam.
“Họ nói với chúng tôi không phải đến Việt Nam để được nghỉ khách sạn 5 sao, vì 5 sao ở nước họ cũng có. Họ đến là vì sự khác lạ của nền văn hóa, họ muốn được trải nghiệm trong cảnh sắc thiên nhiên và thậm chí, họ mê đắm nụ cười tỏa nắng của người thiếu nữ ở vùng cao”, Bộ trưởng nói.
Ông cho rằng đây là những chia sẻ “rất thực” và là điểm tốt, có thể giữ bước chân du khách. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên Quảng Ninh đã chọn “nụ cười Hạ Long” để làm thương hiệu du lịch. Đây là cách làm sáng tạo và rất có hiệu quả.
Du lịch cộng đồng không phải chỉ đến từ bữa ăn
Cùng quan tâm đến lĩnh vực du lịch nhưng ở góc độ văn hóa, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đặt câu hỏi về giải pháp gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống và làm thế nào để giảm tác động tiêu cực của phát triển du lịch đến các giá trị văn hóa truyền thống.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam mở cửa nhưng cũng phải giữ bản sắc văn hóa. Điều này không phải bây giờ mới làm.
Bộ trưởng ghi nhận tất cả địa phương luôn luôn tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa và có nhiều địa phương đã bắt đầu viết về văn hóa, lịch sử của làng. Đây là việc rất tốt, vừa nhằm giáo dục, vừa thấm sâu, vừa giữ gìn truyền thống, theo ông Hùng.
Bộ trưởng Văn hóa cũng cho rằng những nét đẹp truyền thống có rất nhiều ở các địa phương, như dân ca, dân vũ của vùng đồng bào Tây Nguyên, cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên, khèn Mông ở Tây Bắc… Chính những nét truyền thống này là chất liệu để làm du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp.
Cho biết vừa cùng Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan triển khai Quyết định 922 phê duyệt về du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Hùng nhận định chất liệu để làm nên du lịch cộng đồng chính là văn hóa.
“Du lịch cộng đồng mà các đại biểu thấy không phải chỉ là một bữa ăn, mà đó là bữa ăn của đồng bào dân tộc nấu từ món ăn dân tộc, ngủ trên nhà sàn của đồng bào dân tộc và được cùng sinh hoạt để hiểu thêm về phong tục, tập quán, sau đó lại được nghe các chương trình nghệ thuật do đồng bào dân tộc làm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vì vậy, ông nhận định các địa phương đang đi theo hướng du lịch cộng đồng với mô hình trên là rất trúng.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ tầm quan trọng của công tác kiểm kê, bảo tồn, ghi danh mục, đồng thời phải tập trung để giữ gìn văn hóa, chữ viết, kiến trúc đã được ghi danh.
HÃY ĐỂ LẠI Ý KIẾN CỦA BẠN VỀ CHIA SẺ NÀY ?