spot_img
Thứ Hai, 29/04/2024, 15:26

Ôi…Thuốc trầm cảm ?

“Thuốc nhẹ, không sao đâu”.

Cô dược sĩ an ủi sau khi bán thuốc ngủ cho tôi.

Năm 2018, tôi hay thức đêm câu cá, sinh hoạt không điều độ nên bị mất ngủ, cuộc sống đảo lộn. Tôi đến khám một bác sĩ nổi tiếng ở Hà Nội. Sau gần 30 phút trò chuyện, anh chẩn đoán tôi bị rối loạn lo âu, trầm cảm và kê thuốc liệu trình uống sáu tháng.

Thời gian đầu uống thuốc, tôi ăn ngủ ngon, tăng cân. Đến khoảng tháng thứ tư, tôi thấy bản thân không còn nhạy bén, cảm xúc thô cứng nên xin bác sĩ dừng thuốc. Dừng thuốc, tôi mới biết mình đã trở thành “con nghiện” lúc nào không hay. Chỉ hai viên thuốc an thần nhỏ như cúc áo nhưng thiếu nó tôi mất ngủ, kéo theo trào ngược dạ dày, huyết áp có lúc tụt xuống còn 58-80 mmHg.

Triệu chứng cai thuốc rất khó chịu, tôi bỏ rồi uống, uống rồi bỏ như cái vòng luẩn quẩn. Không muốn lệ thuộc nên đầu năm 2019, tôi quyết tâm bỏ thuốc an thần. Tôi dành thời gian ngồi thiền, chơi các môn thể thao. Nhưng sau nửa năm cố gắng, sức khỏe và tinh thần tôi ngày càng sa sút. Tôi đi khám lại bác sĩ trước đây thì được anh khuyên nhập viện để điều trị. Điều trị nội trú gần hai tuần ở một bệnh viện, tôi xin ra viện. Các bác sĩ nói tôi phải uống thuốc an thần cả đời.

Cuối năm 2020, cô bạn Hải An gửi cho tôi bài viết của một hành giả Phật giáo. Nội dung bài viết hàm ý: kỳ vọng là mong muốn, bắt sự việc nào đó phải xảy ra theo ý mình, kỳ vọng tất yếu sẽ sinh ra đau khổ. Tôi bừng tỉnh nhận ra mình đã sai. Trước đây, chỉ vì muốn thoát khỏi cơn trầm cảm, không chấp nhận việc mất ngủ mà tôi đã hành xác như con thiêu thân. Chính tâm lý “phải thế này, phải thế kia” đã làm bệnh của tôi nặng thêm.

Hiểu vấn đề, tôi bắt đầu thay đổi thái độ sống. Phóng sinh thay cho câu cá, yêu thương thay cho sân hận; tăng dần khả năng chấp nhận, chấp nhận cả những suy nghĩ tiêu cực nhưng quyết tâm không phản ứng tiêu cực ra bên ngoài, không làm tổn thương người bên cạnh. Nửa năm sau, sức khỏe và tinh thần tôi trở lại bình thường.

Theo ICD-10 (Phiên bản thứ 10 của Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới), trầm cảm có những triệu chứng như: buồn rầu, giảm sự quan tâm thích thú, mệt mỏi, mất tự tin vào bản thân, bi quan, giảm sự tập trung chú ý, có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, có ý tưởng và hành vi tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon miệng.

Với các triệu chứng như trên, có lẽ trong đời ai cũng từng có lần bị trầm cảm, ở các mức độ khác nhau.

Chị họ tôi, được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm và kê thuốc cho uống. Nghe nữ bệnh nhân bên cạnh hỏi về triệu chứng rụng tóc khi dùng thuốc, chị sợ quá về nhà không dám uống. Về sau, chị thấy đã may mắn không nghe lời bác sĩ. Tự mình thay đổi cách sống, các biểu hiện trầm cảm của chị dần biến mất.

Phong ở Hải Phòng, 15 năm trước, cũng được chẩn đoán trầm cảm như chị tôi. Phong đang bị tiểu đường, dạ dày do tác dụng phụ của thuốc gây ra nhưng cậu vẫn chưa thể ngưng thuốc vì hội chứng “nghiện thuốc”. Tôi hỏi Phong nếu được lựa chọn lại thì ngày đó có uống thuốc trầm cảm hay không. Phong dứt khoát là không.

Tôi không phủ nhận vai trò của thuốc trầm cảm vì thuốc có thể không tác dụng với người này nhưng đáp ứng với người khác. Vấn đề là các bác sĩ tâm thần liệu có lạm dụng kê thuốc an thần cho người bệnh hay không? Vì ngay tại các nước có nền y tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ thì số người tự tử vì trầm cảm vẫn rất cao. Thuốc trầm cảm gây tác dụng phụ, tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Sẽ là con dao hai lưỡi nếu bác sĩ lạm dụng kê thuốc an thần cho người bệnh trong khi họ có thể đáp ứng các liệu pháp điều trị khác an toàn hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ tư trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dự đoán năm 2030 sẽ lên vị trí thứ nhất.

Bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý là những người cần tìm đến để ngăn chặn kịp thời các hành vi dại dột, thiếu kiểm soát. Nhưng để không còn trầm cảm thì đòi hỏi người bệnh phải nỗ lực tự thân nhìn sâu vào nội tâm, tiến đến thay đổi nhận thức, hành vi của chính mình. Hiểu vấn đề gặp phải, chấp nhận sống chung và từng bước khiến nó tan biến bằng cách thay đổi bản thân là cách hành xử thông minh nhất, là viên thuốc điều trị hiệu quả nhất. Trầm cảm đến để nhắc nhở ta: “Bạn đang sống không đúng, bạn cần thay đổi chính bạn thay vì nỗ lực thoát khỏi tôi, bạn thay đổi, tôi cũng sẽ thay đổi và dần rời xa bạn. Bạn là nhân, còn tôi là quả”.

Sau nhiều lần cố gắng vượt qua trầm cảm bất thành, tôi và Hải An không còn chống lại các triệu chứng của bệnh. Nỗ lực chống lại sẽ gia tăng căng thẳng và mất năng lượng, trực tiếp làm biểu hiện của bệnh “phình to”. Thay vào đó, chúng tôi chấp nhận, nỗ lực thay đổi bản thân, cho đến lúc nào đó, trầm cảm tự rời bỏ chúng tôi.

“Điều bạn chống lại sẽ ở lại, điều bạn chấp nhận sẽ tan biến”, câu nói của học giả người Ba Tư Rumi thật thấm thía không chỉ trong các vấn đề tinh thần mà với cả cuộc sống. Với chúng tôi, trầm cảm là một sự cố lớn trong đời nhưng cũng là động lực, là cơ hội tuyệt vời để sống ý nghĩa.

Bùi Võ

HÃY ĐỂ LẠI Ý KIẾN CỦA BẠN VỀ CHIA SẺ NÀY NHÉ ?

👍 Thích

🗨️ Bình luận

🎉 Chia sẻ

Bạn có muốn trở thành "chuyên gia", "người chia sẻ thông tin" trên Mạng xã hội gntgtc.vn. Hãy liên hệ với chúng tôi để cùng chia sẻ và lan tỏa. Chi tiết xin liên hệ Hotline: 0931 643 075 hoặc gửi email về địa chỉ: ttvietnammedia@gmail.com

CÙNG CHỦ ĐỀ

QUAN TÂM NHẤT